Skip to content

Xử lý sâu ăn lá trên hoa hồng hiệu quả và an toàn

Admin 10.04.2021326 lượt xem
Sâu ăn lá trên hoa hồng chủ yếu là loài sâu xanh. Chúng rất dễ phát hiện bằng mắt thường và có thể diệt trừ bằng nhiều phương pháp. Tuy nhiên, nếu không kịp thời xử lý, hoặc bỏ sót chúng sinh trưởng và ăn lá rất nhanh, thậm chí là ăn đến nụ hoa, gây nguy hại cho cây hoa hồng.

Vì vậy, bài viết này sẽ hướng dẫn cách nhận biết và diệt trừ sâu ăn lá trên hoa hồng nhanh chóng, hiệu quả và an toàn nhất.

1. Đặc điểm sinh học và tập quán của sâu xanh ăn lá hoa hồng:

 Sâu xanh ăn lá hoa hồng có tên khoa học là Helicoverpa armigera, chúng có các đặc điểm và tập quán như:

  • Là loài đa thực, ngoài ăn lá hoa hồng ra, chúng còn ăn lá, làm hại nhiều loài cây trồng khác.
  • Giai đoạn sâu non kéo dài từ 15 đến 20 ngày, thậm chí là tới 31 ngày. Sâu xanh ưa thích ăn lá non, ngọn non, nụ và hoa.
  • Sâu tuổi 1 chuyên ăn phần thịt lá và chừa lại biểu bì, sâu tuổi 2 trở đi thường ăn đục vào nụ hoa, ăn rỗng phần nụ và hoa, chúng di chuyển giữa các nụ để phá hoại. Sau khi tích trữ đủ dinh dưỡng, chúng bắt đầu chui xuống đất và làm kén nhộng.
  • Sâu xanh trưởng thành thường hoạt động về đêm, ban ngày chúng ẩn nấp dưới lá cây, bụi cỏ. Sâu trưởng thành đẻ trứng thành từng cụm ở 2 mặt lá non, phần nụ hoa, đài hoa và cánh hoa. Mỗi con sâu xanh có thể đẻ từ 500 đến 800 quả trứng, thậm chí là nhiều hơn. Thời gian phát dục của trứng chỉ từ 4-5 ngày.
  • Nhộng của sâu xanh được hình thành dưới mặt đất ở độ sâu từ 2,5 – 3cm, giai đoạn nhộng thường kéo dài 10-12 ngày, thi thoảng lên đến 24 ngày.
  • Vòng đời trung bình của sâu xanh kéo dài từ 45-50 ngày. Điều kiện nhiệt độ thích hợp để sâu phát triển là từ 25 đến 28 độ C, độ ẩm 70 đến 75%. Nếu không kịp thời phát hiện và xử lý, sâu xanh sinh sôi và phát triển rất nhanh.

2. Nhận biết cây hoa hồng bị sâu xanh tấn công:

2.1. Đối với sâu xanh ăn lá non cây hoa hồng:

  • Khi tấn công cây hoa hồng, sâu non thường ăn phần thịt lá để lại phần biểu bì, tạo thành những màng mỏng trắng ánh sáng có thể xuyên qua.
  • Đối với sâu xanh trưởng thành, chúng thường ăn phần thịt lá, tạo thành những vết thủng trên lá có hình dạng không nhất định, chúng ăn cả nụ và hoa.

2.2. Đối với sâu xanh ăn lá già cây hoa hồng:

Mặt dưới của lá cây xuất hiện sâu non và trứng sâu. Quan sát mặt dưới của lá để phát hiện và xử lý sâu khi chúng còn ở giai đoạn non, chưa trưởng thành. Nếu trồng hoa hồng với số lượng ít có thể bắt thủ công bằng tay. Cần nhanh chóng xử lý sớm, nếu để 3-4 ngày chúng sinh sôi nảy nở, tấn công cây đồng loạt, làm hỏng cây.

3. Tác hại của sâu xanh ăn lá cây hoa hồng:

Sâu xanh ăn lá không dẫn đến cái chết trực tiếp cho cây hoa hồng mà chúng chỉ có khả năng làm cho cây trụi lá sau khoảng vài ngày tấn công. Nếu không can thiệp kịp trời, bộ lá cây sẽ bị ăn hoàn toàn làm giảm khả năng quang hợp, nặng hơn sâu có thể ăn chồi non, nụ hoa, hoa, cây khô và chết.

4. Phương pháp phòng trừ sâu xanh hại cây hoa hồng:

Khi phát hiện tình trạng hoa hồng bị hại bởi sâu ăn lá cần nhanh chóng có biện pháp khắc phục để tránh lây lan từ cây này sang cây khác. Phương pháp phòng trừ sâu xanh an toàn và hiệu quả như sau:

4.1. Phương pháp thủ công:

Áp dụng cho vườn hồng nhỏ hoặc trồng với số lượng ít. Dùng tay để bắt và tiêu diệt ổ trứng của sâu xanh.

Ưu điểm phương pháp này là không tốn chi phí mua thuốc trừ sâu, an toàn cho sức khỏe và môi trường.

Nhược điểm: Phương pháp thủ công rất dễ bỏ sót sâu, không trị được tận gốc và tốn nhiều thời gian, công sức.

4.2. Phương pháp hữu cơ:

Sử dụng các loại thuốc có nguồn gốc hữu cơ hoặc sinh học để phòng ngừa và diệt trừ sâu ăn lá. Một số loại thuốc hiệu quả như:

  • Thảo mộc trị sâu rầy chiết xuất từ tỏi, gừng, ớt: Được sử dụng để xua đuổi sâu, rệp, rầy, côn trùng. Pha 20ml dung dịch với 2 lít nước để phun lên lá cây.
  • Bio – Pesticide: Thuốc trừ sâu sinh học chiết xuất từ thiên nhiên, dùng để phòng ngừa và điều trị sâu xanh, nhện trắng, nhện đỏ, bướm. Pha 5ml thuốc với 2 lít nước phun lên lá cây hoa hồng.
  • Radiant: Thuốc trừ sâu sinh học chiết xuất từ thiên nhiên, dùng để ngừa và điều trị các loại côn trùng trên cây hoa hồng. Pha 2ml thuốc với 2 lít nước phun lên lá cây.
  • Dầu neem: sử dụng với nồng độ 1,25% để phòng ngừa sâu xanh và nồng độ 5% để diệt trừ sâu xanh trên cây hoa hồng.

Ưu điểm của phương pháp hữu cơ:

An toàn cho con người và môi trường, tiêu diệt hoàn toàn sâu xanh hại hoa hồng và cả trứng sâu. Không gây hại cho đất trồng, tiết kiệm thời gian, một số thuốc còn bổ sung thêm các chủng vi sinh có lợi cho đất và tăng sức đề kháng cho cây hoa hồng.

Nhược điểm của phương pháp hữu cơ:

Chi phí đầu tư cao hơn, hiệu quả chậm nên cần phun thường xuyên và phun lặp lại.

Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng các loại thuốc hóa học để điều trị sâu xanh trên cây hoa hồng. Phương pháp này cho hiệu quả nhanh, diệt hoàn toàn, chi phí rẻ. Tuy nhiên, thuốc trừ sâu hóa học có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người và môi trường nên chúng tôi không khuyến cáo sử dụng.

Với những phương pháp phòng trừ sâu ăn lá trên cây hoa hồng hiệu quả trên, bạn sẽ không còn phải lo lắng về những tác hại của chúng nữa. Chúc bạn sớm sở hữu vườn hồng khỏe mạnh, phát triển tốt và cho hoa đẹp.


 

https://docneem.com/blogs/cac-benh-khac/cach-tri-sau-xanh-hieu-qua-va-an-toan-cho-hoa-hong


 

Đánh giá bài viết
1 bầu chọn /trung bình: 5