Tuy là một loài hoa đẹp nhưng không phải ai cũng biết cách trồng và chăm sóc Lan đúng cách để lan có thể ra hoa đúng dịp tết đến xuân về. Để sở hữu được một giỏ lan như ý, ngoài việc cần lựa chọn giống tốt, giá thể trồng phù hợp thì kỹ thuật chăm bón, cung cấp dinh dưỡng cho Lan cũng đóng vai trò quan trọng. Hãy tìm hiểu kỹ thuật trồng lan và cách chăm bón Lan qua các giai đoạn thông qua nội dung bài viết này.
Kỹ thuật trồng Phong Lan:
Kỹ thuật trồng lan trong chậu:
Lan thường được trồng trong các loại chậu được làm từ đất nung để tạo điều kiện cho Lan có thể phát triển tốt. Chậu trồng Lan nên chọn loại chậu có lỗ thông thoáng, cần rửa sạch chậu trước khi đặt hoa vào trồng, khi đổ giá thể vào chậu nên cho giá thể to xuống đáy chậu và các giá thể nhỏ lấp lên bề mặt.
Kỹ thuật trồng Lan ghép trên cây khác:
Phương pháp trồng Lan bằng cách ghép thân được chia làm 2 loại chính:
- Ghép trên thân cây còn sống: cần tỉa bớt nhánh, tán cây, chỉ ghép hoa Lan về nơi có ánh sáng buổi sớm chiếu vào. Phương pháp này thích hợp với hầu hết các giống Lan, đặc biệt là lan rừng.
- Ghép trên thân cây đã chết:
Bước 1: Rửa sạch thân gỗ và lột vỏ ngoài để loại bỏ rong rêu, sâu bọ, nguồn lây bệnh cho Lan có trên vỏ cây.
Bước 2: Ngâm thân gỗ trong nước vôi loãng từ 3 đến 5 ngày để diệt sạch nấm và vi khuẩn.
Bước 3: Vớt gỗ ra và rửa lại với nước rồi đem phơi khô trong khoảng 2 đến 3 ngày.
Bước 4: Đóng đinh làm giá móc và cố định Lan vào thân gỗ. Đắp vào gốc lan ít xơ dừa để giữ ẩm là giúp Lan nhanh bám rễ hơn.
Trồng Lan bằng xơ dừa:
Bước 1: Đầu tiên lấy xơ của các quả dừa đã già và khô rồi xé thành những mảnh to bằng nửa bàn tay.
Bước 2: Đặt các mảnh xơ sát nhau để tạo thành một băng dài trên giàn tre hoặc gỗ, tiếp theo cố định bằng 2 thanh nẹp tre.
Bước 3: Đục lỗ nhỏ bên dưới miếng xơ dừa trước khi trồng để tránh Lan bị úng nước.
Bước 4: Sau 3 đến 3 năm cần thay băng xơ dừa 1 lần để loại bỏ những băng xơ dừa đã mục rã.
Cách bón phân cho Phong Lan:
Bón phân cho Phong lan theo từng độ tuổi và nhu cầu dinh dưỡng trong những giai đoạn khác nhau. Khi bón phân cũng cần lưu ý đến loại Phong Lan và mùa vụ thời tiết, tuân thủ hướng dẫn trên bao bì của từng loại phân. Đối với phân bón rễ cần lựa chọn loại phân phù hợp với giá thể trồng Lan.
Bón phân cho Lan về cơ bản được chia làm 5 giai đoạn chính:
Giai đoạn 1 (tuổi 1)
Là giai đoạn nuôi dưỡng Lan trong chai mô ở điều kiện vô trùng đã cung cấp đủ dưỡng chất nên không cần tác động thêm, chỉ cần cung cấp đủ ảnh sáng và nhiệt độ.
Giai đoạn 2 (tuổi 2)
Giai đoạn này lan đã được mang ra vườn ươm, cây còn yếu và nhỏ nên khi bón phân cần lựa chọn đúng chủng loại phân, nồng độ, liều lượng, đúng thời kỳ, mùa vụ và giờ giấc.
- Định kỳ bón phân 3 ngày/ lần vào lúc 8h -9h sáng
- Phân dạng tinh thể và dạng bột pha 0.5g/1 lít nước sạch để xịt, phân dạng lỏng pha bằng ½ liều lượng khuyến cáo trên bao bì.
- Sáng ngày tiếp theo cần tưới nước cho Lan để rửa trôi tồn dư phân trên lá.
Giai đoạn 3 (tuổi 3)
Sử dụng phân NPK 20-20-15, NPK humax rong biển để bón cho Lan, giúp Lan hấp thu đầy đủ dinh dưỡng để tạo mầm hoa.
Giai đoạn 4 (tuổi 4)
Sử dụng NPK 20-20-15, NPK Humax rong biển, phân hòa tan Solufert để bón cho Lan giúp hình thành mầm hoa, nâng cao chất lượng và độ bền cho hoa. Bổ sung thêm các chất điều hòa sinh trưởng và các nguyên tố vi lượng cần thiết.
Giai đoạn 5 (tuổi 5)
Sử dụng phân NPK 15-15-15+ TE, NPK Humax rong biển, NPK 17-17-17+ TE, phân hữu cơ Organic 1 để bón cho cây giúp cây nuôi dưỡng hoa tốt nhất, đậm màu, tươi lâu, bền hoa…
Trên đây là những kiến thức cơ bản về kỹ thuật trồng Lan và những giai đoạn cũng như phương pháp bón phân cho Phong lan đúng cách, mang lại hiệu quả cao. Hi vọng thông qua nội dung mà bài viết chia sẻ, bất cứ ai cũng có thể tự tay trồng và chăm sóc cho mình những giò phong lan đẹp nhất và ưng ý nhất.