Những loại phân thích hợp bón cho hoa hồng
Phân hữu cơ và phân vô cơ là 2 dòng phân để bón cho hoa hồng rất tốt được các nhà vườn áp dụng.
Phân hữu cơ được hình thành từ phân động vật, than bùn, lá và cành cây, hay các chất hữu cơ từ rác thải nhà bếp. Loại phân này được bón lót vào đất trước khi trồng hoa hồng, giúp cung cấp thêm các chất hữu cơ, chất mùn và các chất dinh dưỡng cho đất, tăng thêm độ tơi xốp và màu mỡ.
Phân vô cơ là loại phân có chứa yếu tố dinh dưỡng dưới dạng muối khoáng dựa vào quá trình vật lý, hóa học. Phân vô cơ có nhiều loại, nhiều thành phần khác nhau đáp ứng các nhu cầu phát triển của cây.
- Phân đạm vô cơ: Phân Ure, Phân đạm Sunphat, Phân Cyanamit Canxi, Phân Nitrat Natri, Phân Nitrat Canxi.
- Phân kali: Phân Clorua Kali, Phân Sunphat Kali.
- Phân lân: Phân Super Lân, Phân Lân nung chảy
- Phân vi sinh.
Bón phân cho hoa hồng trồng trong đất.
- Giai đoạn 1: khoảng 12-14 ngày sau cắt hoa tàn, tỉa cành, cây bắt đầu mọc chồi. Sau khi tỉa cành 3 ngày, tiến hành bón phân NPK 20-20-15 hoặc 16-16-8 để bổ sung hàm lượng đạm và lân cao hỗ trợ cây ra chồi. mỗi gốc hoa nên bón khoảng 10 hạt lúc độ ẩm cao, cách 7 ngày bón 1 lần và bón xa gốc. Có thể ngâm phân tan rồi tưới vào đất.
- Giai đoạn 2: khoảng 12-14 ngày tiếp theo là giai đoạn ra nụ, cần bổ sung bổ sung lượng Kali cao để hoa có màu đẹp hơn và lâu tàn hơn, cánh hoa cứng cáp. Loại phân thích hợp là 15-15-20+TE,13-13-13+TE, 20-20-25 +TE, hay Novatec premium 15-3-20-2+10S+TE.
- Giai đoạn 3: sau 5-7 ngày cây ra hoa và tàn là giai đoạn ngưng bón phân hoặc bổ sung thêm Kali cho cánh hoa cứng cáp, lâu tàn. Đồng thời bón phân hữu cơ để cải tạo đất cho chu kỳ sau nếu muốn.
Bón phân cho hoa hồng trồng trong chậu.
Tuỳ thuộc vào lượng đất trong chậu và kích cỡ cây mà thay đổi lượng phân bón cho hợp lý.
- Giai đoạn 1: tạo một khe rãnh từ 3-5cm quanh thành chậu rải phân, lấp đất và tưới nước. Sau 3-5 ngày hoà tan phân và phun phân bón dinh dưỡng giúp rễ phát triển tốt hơn và khi cây ra hoa thì màu sắc sẽ tươi sáng hơn.
- Giai đoạn 2: sau 10-15 ngày trồng, cây ra rễ thì tiến hành pha loãng phân NPK tưới cho cây. Với liều lượng 70-100gr pha với 10-15 lít nước. Mỗi tháng tưới như vậy 1 lần cho đến khi ra hoa. Nên bổ sung thêm phân trùn quế để giữ ẩm cho đất, tăng cường chất hữu cơ và cải tạo cho đất trồng hoa hồng.
Bón phân cho cây hoa hồng trưởng thành, ra hoa ổn định.
- Thời điểm cây ra hoa nên bổ sung 200-300gr phân hữu cơ và 50gr phân NPK vào phần gần gốc rồi lấp đất lại. Mỗi lần bón từ 7-10 ngày còn lại.
- Sau 3-5 tháng khi hoa tàn có hiện tượng lá màu vàng nhạt, héo úa và rụng dần, cây rất ít đâm chồi non. Lúc này cần thay ⅓ đến ½ lượng đất cũ trong chậu. Đồng thời bổ sung phân hữu cơ, phân trùn quế với liều lượng từ 1-2 kg/chậu. Đất thay cần lấy quanh chậu phía trên và tưới nước ngay sau khi thay đất.
Những lưu ý khi bón phân cho hoa hồng
- Thời điểm bón phân tốt nhất là sáng sớm và chiều mát, không bón buổi trưa nắng gắt.
- Phải tưới nước ngay sau khi bón phân xong, dùng vòi nước phun lên trên đỉnh cây để rửa sạch lá và giúp phân thấm xuống đất.
- Không bón phân sát gốc hoa hồng mà bón hơi xa gốc từ 10-15 cm, nếu bón sát gốc quá độ đậm đặc của phân làm cháy gốc,thối gốc và các rễ nổi quanh gốc.
- Tốt nhất pha loãng phân vào nước tưới giúp cây hấp thụ dưỡng chất dễ dàng và tiết kiệm.
- Nếu bón phân bón lá thì xịt đều trên lá vào chiều mát vào phần lá non, lá già kém hấp thụ phân hơn.
- Khi hoa nở to không nên bón phân làm hoa dễ bị rụng hoặc cháy hoa.
Trường hợp bón phân chuồng nên bón dưới lớp đất hay trộn đều trong đất để có độ ẩm ổn định cho các vi sinh sinh sống và phát triển. Nếu để phân trên mặt đất vừa mất đạm vừa tiêu diệt các vi sinh vật do nắng.