Skip to content

Kỹ thuật chiết cây hoa hồng đúng cách

Admin 26.03.2021206 lượt xem
Phương pháp chiết cành được sử dụng để nhân giống cây hoa hồng phổ biến hiện nay. Chiết cành được hiểu là làm cho một cành ra rễ ngay trên cây mẹ sau đó cắt cành đem trồng thành một cây mới hoàn chỉnh và độc lập. Khi nhân giống hoa hồng bằng phương pháp chiết cành giúp cây mới lưu giữ lại được tất cả những đặc tính tốt, nổi trội từ cây mẹ.

Kỹ thuật chiết cành không khó, chỉ cần làm đúng theo hướng dẫn thì tỷ lệ thành công rất cao. Dưới đây là hướng dẫn phương pháp chiết cành cây hoa hồng đơn giản.

1. Chọn thời điểm chiết cành hoa hồng thích hợp: 

Có thể thực hiện phương pháp chiết cành vào bất kỳ thời điểm nào trong năm. Tuy nhiên, thời điểm được cho là thích hợp nhất để chiết cành cây hoa hồng đó là thừ tháng 2 đến tháng 4 hoặc từ tháng 7 đến tháng 9 hằng năm. Bởi khoảng thời gian này thời tiết thường mát mẻ, ôn hòa, độ ẩm không khí cao, giúp bầu đất giữ ẩm tốt hơn. Mặc khác, thời điểm này hoa hồng thường sinh trưởng mạnh nên việc cây ra rễ tương đối thuận lợi.

 Trong thời điểm này, nên lựa chọn những ngày mát mẻ để thực hiện chiết cành. Cần lựa chọn đúng thời điểm chiết cành thì đã có tỷ lệ thành công là 50%.

2. Các bước chuẩn bị chiết cành hồng:

 Để quá trình chiết cành hồng diễn ra suôn sẻ cần thiết có một số dụng cụ và nguyên liệu cần thiết:

  • Dao cắt tỉa chuyên dụng: lựa chọn dao có độ sắc bén cao và cần được khử trùng trước khi sử dụng để tránh gây bệnh cho hoa hồng.
  • Chế phẩm kích rễ dùng để kích thích quá trình ra rễ của hoa hồng, tăng tỷ lệ thành công.
  • Túi nhựa: được sử dụng để bọc bầu đất
  • Dây buộc hoặc dây thít để buộc 2 đầu bầu đất.
  • Giá thể: Giá thể được sử dụng để làm bầu chiết gồm: đất sạch, xơ dừa, phân trùn quế, nấm trichoderma, những giá thể này cần được ủ tầm 1 tuần, trước khi chiết cành hoa hồng. Ngoài những giá thể trên còn có thể sử dụng rễ lục bình. Tuy nhiên, rễ lục bình cần xử lý kỹ lưỡng nên cần mất nhiều thời gian.

3. Quá trình chiết cành cây hoa hồng:

3.1. Chọn cành chiết phù hợp:

Chọn cành hồng gần sát gốc cây, to bằng đầu đũa, khỏe mạnh, không bị nhiễm sâu bệnh, mang đầy đủ những đặc điểm hình thái của cây giống. Không nên lựa chọn cành hồng quá non hoặc quá già

3.2. Tiến hành khoanh vỏ cành chiết:

Thao tác khoanh vỏ cành chiết rất quan trọng, quá trình này không thực hiện tốt dễ khiến cành hồng chết bởi vết khoang quá sâu làm đứt các mạch dinh dưỡng của thân cây.

Tiến hành cắt bỏ hết những phần gai xung quanh thân cây hoa hồng để quá trình chiết cành diễn ra thuận lợi và không gây nguy hiểm trong lúc thao tác.

Phần khoanh vỏ tốt nhất dài tầm 20cm tính từ ngọn, dùng dao sắc đã được khử trùng bóc một khoanh vỏ có chiều rộng tầm 2cm đến 3cm. Cần bóc vỏ sạch, sau khi bóc phần vỏ xanh đi thì nên dùng dao cạo xung quanh phần thân gỗ cho đến khi xuất hiện phần gỗ màu trắng.

Sau khi hoàn tất quá trình bóc vỏ cần dùng chế phẩm kích thích ra rễ và bôi vào phần gốc phía trên vị trí khoanh vỏ.

3.3. Tiến hành làm bầu chiết:

Trộn giá thể làm bầu sau đó quấn giá thể đã trộn lên phần khoanh vỏ, sử dụng túi nhựa có lỗ thoát nước bao bên ngoài giá thể và dùng dây buộc quấn chặt 2 đầu của bầu.

Cần quấn kín vùng khoanh vỏ, nếu quấn hở dễ khiến phần khoanh vỏ bị vi khuẩn, nấm, vi sinh vật xâm nhập làm hỏng cành chiết. Nên sử dụng túi nhựa trong suốt để dễ dàng quan sát quá trình ra rễ của cành chiết.

3.4. Tách cành chiết:

Sau khoảng thời gian tầm 20 đến 30 ngày phần chiết bên trong bầu sẽ ra nhiều rễ khoẻ, cành chiết phát triển tốt thì tiến hành cắt cành cả phần bầu rễ, mở phần bao bên ngoài bầu đất đem đi trồng thành cành mới độc lập.

Trong thời gian chờ đợi cành chiết bén rễ cần chăm sóc cây hồng mẹ thật tốt, tưới đủ nước và cung cấp đủ dưỡng chất cho gốc hồng mẹ khỏe mạnh, kích thích quá trình ra rễ cành chiết nhanh chóng hơn.

4. Những điểm cần lưu ý trong quá trình chiết cành:

  • Trong quá trình bó bầu đất, hạn chế để cây hồng mẹ mang hoa. Nếu hồng mẹ ra hoa trong giai đoạn này cần cắt bỏ phần nụ hoa đi để cây tập trung dưỡng chất cần thiết để nuôi dưỡng cành chiết ra rễ.
  • Cành hồng chiết thường có rễ tương đối yếu. Chính vì thế, khi tách cây hoàn chỉnh, nên tỉa bớt cành và lá cây nhằm đảm bảo cành chiết có đủ dưỡng chất để nuôi cây. Trong giai đoạn đầu, để cây hồng tránh mất sức nên để cây ở trong mát sau đó tiến hành mang ra nắng từ từ để cây dần dần thích nghi với môi trường.
  • Trong giai đoạn đầu, cần làm cọc chống đỡ để cây con đứng vững, không bị lỏng gốc, bung gốc dưới tác động của môi trường như mưa, gió.
  • Khoảng 1 tháng sau khi trồng, cây hồng chiết sẽ bắt đầu cho lứa nụ lần đầu. Lúc này nên cắt bỏ lứa bụ này đi để dưỡng chất tập trung nuôi cây, phát triển rễ, thân, lá. Bắt đầu từ lứa thứ hai trở đi cây sẽ cho hoa đẹp và phát triển tốt.
  • Quá trình trồng hồng cần theo dõi thường xuyên, kiểm tra mầm bệnh, côn trùng hại cây, tưới đủ nước để cây hồng phát triển khỏe mạnh.

Như vậy, việc chiết cành hồng rất đơn giản và dễ thực hiện. Chỉ cần thực hiện đúng theo hướng dẫn là có thể sở hữu được cây hồng mới mang đầy đủ những đặc điểm tốt của cây hồng mẹ.

https://www.fao.org.vn/nhan-giong/cach-chiet-hoa-hong/

Đánh giá bài viết
1 bầu chọn /trung bình: 5