Skip to content

Kỹ thuật trồng cây hoa sứ trong chậu

Admin 09.05.2021535 lượt xem
Để trồng được một cây hoa sứ trong chậu khỏe mạnh, dáng đẹp, sai hoa… không phải là việc quá khó bởi hoa sứ là loại cây cảnh dễ trồng, dễ thích nghi, dễ chăm sóc. Dưới đây là phương pháp trồng cây hoa sứ trong chậu đúng kỹ thuật.

1. Chuẩn bị chậu trồng hoa sứ:

Cây hoa sứ đa phần đều được người chơi hoa trồng trong chậu bởi việc này không những giúp cây đẹp hơn mà còn thuận tiện cho việc chăm sóc cây.

Việc trồng trong chậu giúp bạn dễ dàng di chuyển bộ rễ của cây sang chậu mới, dễ di chuyển cây đến những khu vực yêu thích đồng thời trồng chầu cũng giúp dễ dàng nâng bộ rễ của cây hoa sứ lên cao khỏi miệng chậu tạo thành những dáng đẹp mắt.

Khi trồng trong chậu lâu ngày bộ rễ cây hoa sứ sẽ phình to, lúc này cần sang chậu mới để bộ rễ có không gian phát triển và thay luôn đất trồng để bổ sung dưỡng chất cho cây.

Chậu trồng cây hoa sứ cần đảm bảo có lỗ thoát nước để giúp cây không bị ngập úng và kích thước chậu phù hợp với bộ rễ để đảm bảo không gian phát triển. Có thể lựa chọn chậu đất, chậu sứ, chậu xi măng tùy vào sở thích của mỗi người.

2. Chuẩn bị đất trồng cây hoa sứ:

Cây hoa sứ có thể trồng được trên nhiều loại đất nên có thể lựa chọn bất kỳ loại đất nào, chỉ cần đất đảm bảo dinh dưỡng, tơi xốp và thoát nước tốt là được.

Có thể mua đất bán sẵn tại các cửa hàng hoặc trộn đất với phân bò ủ hoai, phân trùn quế, đá Perlite…

3. Tiến hành gieo trồng:

Có 2 phương pháp nhân giống cây hoa sứ đó là gieo hạt và giâm cành. Tuy nhiên, phương pháp giâm cành đang được nhiều người áp dụng hơn hết.

Độn một ít đá, gạch nhỏ dưới đáy chậu cây để tránh đất trồng lấp kín lỗ thoát nước hoặc rễ sứ có thể vươn ra bên ngoài lâu ngày chặn lỗ thoát nước.

Cho đất trồng vào 2/3 chậu sau đó đặt cây hoa sứ vào giữa chậu, đảm bảo bộ rễ xòe ra và cân đối. Đổ tiếp phần đất còn lại cho ngập một phần rễ cây và thấp hơn miệng chậu 1cm. Phần rễ củ to phải nằm trên miệng chậu để tạo ra những dáng thế đẹp.

4. Tiến hành tạo hình cho cây hoa sứ:

Sau một thời gian trồng thì cây hoa sứ đã có bộ rễ phình to, lúc này cần cắt tỉa để tạo dáng cho cây hoa sứ đẹp mắt hơn. Có thể tạo dáng cho cây hoa sứ bằng cách nâng bộ rễ cây ra khỏi miệng chậu và tỉa theo dáng mong muốn hoặc nâng toàn bộ rễ ra khỏi chậu, cắt tỉa, rửa sạch rồi trồng lại.

Thao tác thực hiện:

  • Nhổ cây hoa sứ ra khỏi chậu và sử dụng que tre khều bớt đất ra khỏi bộ rễ, làm thật nhẹ nhàng để tránh tổn thương bộ rễ, dùng vòi xịt để rửa sạch đất bám ở rễ.
  • Sử dụng dao sạch và sắc cắt bỏ những rễ nhỏ quanh củ và cắt tỉa bộ nhánh theo ý muốn.
  • Sử dụng thuốc trừ bệnh như Vicarben, Aliette trét vào những vết cắt nhánh để tránh cây bị nhiễm bệnh và thối ủng vết cắt sau khi trồng lại.
  • Treo cây sứ lên phơi khô ở nơi có bóng mát từ 5 đến 10 ngày để các vết thương lành lại. Lưu ý treo cây ở bóng mát, tránh phơi ở khu vực có nắng trực tiếp.
  • Trồng sứ lại vào chậu đã chuẩn bị, tưới nước ngay sau khi trồng, đem chậu sứ phơi nắng 50% trong 15 đến 20 ngày, tưới nước dạng sương nhẹ ở lớp đất mặt để giữ ẩm, tránh tưới đẫm dễ làm cây úng, cho đến khi nhận thấy mầm sứ nhú ra từ những vết cắt.
  • Sau khi cây nhú mầm mới đem phơi nắng 80% đến 100% và tưới nước, quan sát thường xuyên để bắt sâu cho cây, đảm bảo an toàn cho cây, hạn chế dùng thuốc trừ sâu để bảo vệ sức khỏe con người và môi trường.
  • Sử dụng phân NPK 20-20-20 để bón cho cây khi chồi non phát triển hoàn chỉnh, đến khi chồi dài đến 10cm thì chuyển sang bón phân NPK 15-30-15 hoặc 20-30-20 để cây cho hoa.
  • Chỉ bón phân hữu cơ khi cây sứ đã có chồi non và lá hoàn chỉnh để tráng bộ rễ cây còn non dễ bị cháy rễ, làm cây chậm phát triển hoặc chết cây.
  • Khi cây bắt đầu ra hoa thì tưới cây hằng ngày, bón phân định kỳ tầm 6 tháng/ lần. Đến lúc sứ tàn hoa, bắt đầu mất dáng, dài cành, ngã đổ thì xử lý lại như ban đầu hoặc cắt tỉa dáng lại và không cần thay chậu mới.

Như vậy, quá trình trồng và chăm sóc cây hoa sứ trong chậu không quá phức tạp, ai cũng có thể tự thực hiện được. Để sở hữu một chậu sứ đẹp, ngoài việc trồng và chăm bón thì người trồng cũng cần có những kỹ thuật cắt tỉa để tạo thành những dáng sứ ưng ý nhất.

http://pgrvietnam.org.vn/cach-trong-cay-su-trong-chau-va-meo-giup-hoa-ra-dung-ngay-tet-3485.html

Đánh giá bài viết
1 bầu chọn /trung bình: 5