Sau đây là thông tin những loại bệnh thường gặp ở cây đào cảnh và cách phòng trị để bà con cùng tham khảo.
1. Bệnh thủng lá: là một căn bệnh khá phổ biến ở đào cảnh, bệnh làm mất tính thẩm mỹ của cây.
- Biểu hiện: Trên lá xuất hiện các đốm nhỏ và dần dần lan ra, xung quanh đốm có viền ngả vàng. Sau đó các đốm nứt ra và rơi ra khỏi lá, nhìn bề mặt lá có những vết thủng lớn nhỏ khác nhau.
- Nguyên nhân bệnh: do vi khuẩn Xanthomonas pruni Dowson gây nên, loại này thuộc bộ vi khuẩn đơn bào. Khi cây đào không được thoát nước, môi trường không thông thoáng tạo thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập và phát triển.
- Cách xử lý: Để phòng ngừa bệnh này, người trồng nên bón nhiều phân có hàm lượng đạm cao, phân hữu cơ. Thường xuyên cắt tỉa cành, loại bỏ các cành già, bệnh. Khu vực trồng đào nên thông thoáng và không trồng xen giữa lê và đào.
Cây bệnh cần phun thuốc lưu huỳnh hết hợp vôi 3-5oBe hoặc Zineb 0,2% phun đều trên lá.
Có thể dùng hỗn hợp Sunfat kẽm, vôi, nước theo tỷ lệ 1:4:240 phun lên toàn bộ cây.
2. Bệnh xoăn lá: là một bệnh thường hay gặp khi trồng hoa đào, nó ảnh hưởng đến sự ra nụ, hoa.
- Biểu hiện: Khi bệnh mới xuất hiện, lá dày lên và chuyển qua màu xanh xám. Lá bị xoăn lại và chuyển đỏ hoặc tím. Xuất hiện bột màu trắng xám trên bề mặt lá, sau đó lá chuyển qua màu nâu và rụng.
- Nguyên nhân: Do nấm gây nên có tên nấm túi ngoài (Taphrina deformans Berk) gây ra và sinh trưởng trong giai đoạn tháng 4-6.
- Cách xử lý: Khi cây có biểu hiện bệnh cần ngắt những lá bệnh và đốt để hạn chế nguồn lây, không bón phân khi chưa ra hoa. Sử dụng hợp chất vôi loãng 3-5oBe và lưu huỳnh pha nước rồi phun liên tục 2-3 lần, mỗi lần cách nhau 1 tuần.
3. Sâu đục thân: là loại bệnh khó trị, khi đã phát hiện ra cũng là lúc cây bị ảnh hưởng nhiều.
- Biểu hiện: Héo ở lá non, chồi non, lâu dần sẽ héo nhánh, cành, lá rụng và chết cây nếu bị nặng. Trên thân cây sẽ xuất hiện các lỗ nhỏ do sâu gây ra.
- Nguyên nhân: Sâu non của con xén tóc, sâu non chui vào thân cây và ăn dần bên trong thân cây. Môi trường xung quanh quá nhiều cây cối, cỏ dại cũng là môi trường sâu phát triển và lây lan.
- Cách xử lý: Sử dụng một số loại thuốc như Bi 5850EC, Dipterec hay Sherpa 25EC… để phun lên toàn bộ cây và pha thuốc đặc để bơm vào những vị trí lỗ sâu đục.
4. Nhện đỏ: cây đào cảnh rất dễ bị tấn công bởi loài côn trùng này, chúng ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của đào và có thể làm chết cả cây.
- Biểu hiện: Lá chuyển từ màu xanh sang màu vàng trong thời gian ngắn, cành non héo chuyển sang khô và chết. Khi quan sát kỹ dưới mặt lá có thể thấy lớp tơ mỏng như những vết trắng lấm tấm của loài nhện này.
- Nguyên nhân: Nhện đỏ là nguyên nhân lây truyền virus cho cây đào cảnh, chúng ăn biểu bì và chích hút mô dịch của cây.
- Cách xử lý: Khi phát hiện cây bị nhện đỏ tấn công, điều đầu tiên là cách ly cây ra khỏi khu vực trồng hạn chế lây lan ra các cây khác. Sử dụng thuốc Comite 73EC, Pegasus 500SG, Danitol 10EC, Ortus 5SC… theo đúng liều lượng hướng dẫn pha trên bao bì để phun cho cây diệt nhện đỏ. Phun liên tục 2-3 lần mỗi lần cách nhau 7-10 ngày.
5. Cây chảy nhựa: đây cũng là một bệnh hay xuất hiện ở đào cảnh, nếu không được chữa trị kịp thời, cây sẽ bị chết khô.
- Biển hiện: Vỏ cây trên thân cành, đặc biệt là những vị trí phân nhánh sẽ bị nứt ra và bị chảy nhựa vàng trong suốt. Sau một vài ngày, lớp nhựa này chuyển sang màu nâu đỏ và lồi vết bệnh lên. Lá cây đào cảnh chuyển sang màu vàng.
- Nguyên nhân: Do thời tiết rét, sương muối hoặc do nấm bệnh, một số loài sâu đục thân như xén tóc, cát đinh gây ra hiện tượng này.
- Cách xử lý: Để phòng trừ và trị bệnh này, có thể dùng thuốc Aliette 80WP hay Bio Fugi pha liều lượng vừa đủ để phun lên cây.
Để cây đào phát triển khoẻ mạnh, hạn chế sâu bệnh cần có chế độ chăm sóc hợp lý, người trồng nên thường xuyên cắt tỉa loại bỏ cành hư, tạo cho cây môi trường thông thoáng, phát quan bụi rậm. Ngoài ra chúng ta nên thường xuyên phun thuốc trừ sâu bệnh hại có thể phát sinh. Phòng bệnh là biện pháp tốt nhất để bảo vệ cây không bị ảnh hưởng bởi các tác nhân gây hại.
https://agriviet.org/sau-benh/danh-sach-5-loai-sau-benh-o-dao-canh/