Skip to content

Quy trình chăm sóc mai vàng trong 1 năm

Admin 20.04.2021404 lượt xem
Mai vàng là loài hoa đặc biệt được chưng trong những ngày Tết nguyên đán, bởi vậy nên cần phải chăm sóc, trau chuốt cả năm để mai có thể nở hoa to nhất, đẹp nhất, rực rỡ nhất trong đầu năm mới. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu quy trình chăm sóc mai vàng trong 1 năm để có được kết quả như mong đợi.

Mai vàng chia làm 4 giai đoạn phát triển: từ tháng 1-6 âm lịch là giai đoạn cây hồi phục sau khi đã nở hoa và tăng cường sinh trưởng, giai đoạn 2: từ tháng 7-8 âm lịch là giai đoạn phát triển nụ hoa, từ tháng 9-10 âm lịch là giai đoạn hình thành, cuối cùng là tháng 11 và 12 là giai đoạn hoàn chỉnh và cho ra hoa như mong đợi.

1. Giai đoạn cây mai hồi phục và tăng cường sinh trưởng.

Tháng 1-2 âm lịch

  • Thời điểm sau khi đã chưng tết, từ ngày mùng 5 nên đặt chậu mai ở nơi thoáng mát cho cây “hít thở”, tránh ánh nắng mặt trời trực tiếp.
  • Vặt bỏ hết nụ, hoa, trái chỉ giữ lại lá non.
  • Cắt bỏ bớt nhánh nếu nhánh dài, tỉa bớt cành già, khô.
  • Tiến hành trồng cây lại đất vườn hoặc nếu trồng lại trong chậu có thể thay chậu/thay đất trồng để cây sinh trưởng và phát triển. Có thể tiến hành cắt bớt rễ già để cây mai sinh ra rễ mới có khả năng hút chất dinh dưỡng tốt hơn nuôi cây. Đất trồng mới có thể được pha trộn bởi đất thịt, trấu, phân hữu cơ đã xử lý… để làm tăng độ tơi xốp và đảm bảo dinh dưỡng cho cây mai.
  • Nên bón thêm phân có hàm lượng đạm cao để cây phát triển tốt bằng cách tưới phân NPK 30-10-10 và phân dynamic với liều lượng 1 muỗng phân Dynamic với 1 lít nước rồi tưới cây mai, sử dụng 1-2 lần mỗi tuần.

Tháng 3-4 âm lịch

  • Sử dụng phân hữu cơ đã qua xử lý và ủ hoai mục kết hợp phân vô cơ có hàm lượng đạm cao để bón cho mai bằng cách trực tiếp bón ở gốc hoặc tốt nhất là ngâm với nước rồi phun lên lá.
  • Giai đoạn này cây mai phát triển tốt cần tỉa cắt bớt cành nếu sinh trưởng quá nhanh, phun thuốc ngừa bệnh cho cây.

Từ tháng 5-6:

  • Đây là là giai đoạn cây tích lũy chất dinh dưỡng nên phát triển rất mạnh. Có thể bấm đọt hoạt tạo dáng cho cây lúc này rất thích hợp.
  • Sử dụng phân lân hoặc phân Dynamix lifter kết hợp phân vi sinh (đối với trồng vườn) để bón cây để giảm sự phát triển cành, để chồi nách thành nu hoa sau này.
  • Phun thuốc phòng bệnh rỉ sắt, thán thư, cháy lá…
  • Đây là giai đoạn mùa mưa nên cây mai dễ bị tấn công bởi rỉ sắt, đốm lá, có thể sử dụng thuốc gỉ sắt có thể sử dụng thuốc Insuran, Ridomin để phun điều trị bệnh cho cây

 2. Giai đoạn phát triển nụ hoa từ tháng 7-8 âm lịch

  • Thường xuyên kiểm tra để phát hiện kịp thời bệnh của cây vì giai đoạn này mai rất dễ bị sâu bọ và nấm bệnh tấn công.
  • Tuyệt đối không tỉa cành trong giai đoạn này.
  • Chú ý tình trạng thoát nước của khu vực đất trồng mai, không để cây bị ngập úng.

 3. Giai đoạn hình thành từ tháng 9-10 âm lịch

  • Sử dụng phân NPK kết hợp phân dynamic pha loãng với nước theo tỷ lệ 1 muỗng phân Dynamic với 4 lít nước và phun cách nhau 2 tuần.
  • Bón phân có hàm lượng Kali vừa đủ để nuôi nụ, tránh bón nhiều mai sẽ nở hoa sớm.
  • Cố gắng giữ lá cho xanh tốt tránh làm cho hoa mai nở sớm nếu thấy cây có dấu hiệu nở hoa sớm. Ngược lại có thể siết nước, siết phân để lá rụng nuôi chồi hoa.

 4. Giai đoạn hoàn chỉnh từ tháng 11-12 âm lịch

  • Lúc này cây mai cần được chăm sóc đặc biệt, bón phân để hoa mai đạt chất lượng về số lượng hoa nhiều, màu sắc đẹp, lâu tàn…
  • Đầu tháng 11 sử dụng phân vô cơ để bón cho mai, hàm lượng lân và kali cao.
  • Đối với phân kali với liều lượng 1 muỗng cà phê phân với 5 lít nước và tưới gần gốc mai.
  • Có thể sử dụng phân bón lá loại thúc ra hoa để phun lên cây mai với liều lượng thấp.
  • Bón thêm phân hữu cơ đã qua xử lý để sau khi mai đã ra hết hoa đất vẫn tơi xốp và việc trồng cây ra vị trí mới dễ dàng vào năm sau.
  • Tưới cây với liều lượng vừa đủ, tránh tưới quá nhiều nước làm cây bị rụng hoa.
  • Cuối tháng 11 đến giữa tháng 12 âm lịch ta bắt đầu tiến hành vặt bỏ hết lá để cây tập trung dinh dưỡng cho nụ và hoa.

Công việc chăm sóc mai để có kết quả tốt là không hề đơn giản, nó đòi hỏi người trồng phải biết quan sát, biết giai đoạn nào cây cần gì, dựa vào kinh nghiệm thực tế để phán đoán tình trạng cây và hướng xử lý kịp thời.

 http://tinhdoanvinhphuc.vn/qua-trinh-cham-soc-cay-mai-vang-trong-mot-nam/

Đánh giá bài viết
1 bầu chọn /trung bình: 5