Skip to content

Bệnh phấn trắng trên hoa hồng nguyên nhân và cách điều trị

Admin 04.04.2021350 lượt xem
Bệnh phấn trắng thường xuất hiện trên cây hoa hồng vào vụ đông xuân gây hại cho thân, lá, cuống hoa, đài hoa, chồi non…Vì vậy, cần nhận biết sớm và điều trị bệnh trước khi bệnh gây ra những tác hại lớn trên cây hoa hồng.

1. Những dấu hiệu nhận biết bệnh phấn trắng trên cây hoa hồng:

Trên bề mặt của những chiếc lá non xuất hiện lớp bột màu trắng không có hình dạng rõ rệt, chúng có thể lan lên cả nụ non, thân, cành cây non. Trong những trường hợp bệnh nặng có thể làm cho lá cây trở nên khô héo, rụng hàng loạt, cây không thể quang hợp dẫn đến chết cây.

2. Nguyên nhân xuất hiện bệnh phấn trắng trên cây hoa hồng:

Bệnh phấn trắng trên cây hoa hồng gây ra bởi một loại nấm có tên là sphaerotheca paranosa. Chúng là loài nấm ký sinh thường xuất hiện vào vụ đông xuân, đặc biệt là khi xuất hiện những cơn mưa phùn, thời tiết giao mùa nóng ẩm, độ ẩm không khí cao 80%, nhiệt độ ưa thích của chúng là 18 độ đến 20 độ C. Ở điều kiện này rất thuận lợi cho cây hoa hồng phát triển những chồi non và cho hoa vào dịp tết. Tuy nhiên, đây cũng là điều kiện thuận lợi để bệnh phấn trắng xuất hiện làm hại cây, ký sinh trên khắp vườn hồng.

Các sợi nấm sphaerotheca paranosa ký sinh dày đặc trên bề mặt lá, nụ, và thân non của cây hoa hồng, tạo các vòi hút chọc sâu vào bên trong tế bào diệp lục để hút hết dưỡng chất từ cây hoa hồng. Các lớp bột màu trắng tiếp tục tấn công vào lớp biểu bì của cây hoa hồng làm cho lá cây bị chun lại, xoắn và ngừng quang hợp, đặc biệt là đối với những nụ non, lá non và chồi non. Khi gặp nắng đầu xuân đột ngột bệnh có thể chuyển biến nặng và làm chết cây.

3. Cách phòng bệnh phấn trắng xuất hiện trên cây hoa hồng:

Phòng bệnh phấn trắng luôn được ưu tiên hàng đầu bởi phòng bệnh đơn giản hơn chữa bệnh rất nhiều. Việc chữa trị bệnh phấn trắng trên cây hoa hồng cần có thời gian lâu dài mới có thể trị dứt điểm, làm ảnh hưởng đến chất lượng cây hoa, thậm chí là thất thu đối với những nhà vườn kinh doanh.

Có thể phòng bệnh phấn trắng như sau:

  • Trồng hoa hồng ở những khu vực thông thoáng, có gió, có ánh nắng mặt trời chiếu tối thiểu 3 giờ mỗi ngày. Chú ý khoảng cách trồng giữa những cây hoa, không nên trồng quá dày, thông thường khoảng cách cây thích hợp nên là 50-80cm tùy thuộc vào tán cây.
  • Thường xuyên cắt tỉa hoa tàn, cắt tỉa cành tạo tán cây, những cành phụ bên trong tán không cần thiết để tạo được độ thông thoáng cho cây.
  • Bệnh phấn trắng chỉ xuất hiện khi thời tiết ẩm ướt, có mưa phùn, tuy nhiên vào mùa hè cũng không nên tưới cây vào ban đêm, không nên tưới lên mặt lá vì nấm mốc cũng có thể xuất hiện ngay cả vào mùa hè nếu chăm sóc không đúng cách.
  • Hoa hồng cần ánh nắng trực tiếp mỗi ngày, thông thường thích hợp nhất là khoảng 6-8 giờ/ ngày để phòng chống sâu bệnh và giúp cây nở hoa. Vì vậy, cần đảm bảo lượng ánh nắng đủ cho cây.

Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng có điều kiện thời tiết thuận lợi. Vì vậy, trong trường hợp khi bệnh phấn trắng xuất hiện trên cây hoa hồng cần có những biện pháp điều trị.

4. Điều trị bệnh phấn trắng trên cây hoa hồng:

  • Khi cây xuất hiện bệnh phấn trắng cần cắt bỏ và tiêu hủy tất cả những thành phần bị nhiễm bệnh như: nụ, hoa, chồi non, cành lá ...
  • Khi cắt tỉa cần cắt sâu xuống những cành cấp 2-3 để kết hợp tạo tán cây, giúp cây nhanh chóng ra mầm mới.
  • Có thể sử dụng baking soda phun lên cây hoa hồng để điều trị bệnh phấn trắng nhẹ hoặc sử dụng nước cốt tỏi, gừng, lá đu đủ hòa chung với sữa tươi, nước vôi trong để phun lên khu vực nhiễm bệnh, vừa hiệu quả cao vừa không gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
  • Trường hợp bệnh quá nặng, những loại thuốc tự chế không thể điều trị được thì nên sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc vô cơ để tiêu diệt mầm bệnh như: Anvil, Benlat 0,01%, Topsin 0,1%, Score, Kasuran, Ridomil, antracol, alfamil hoặc những chất có chứa nano bạc…Sử dụng với liều lượng hướng dẫn trên bao bì từ nhà sản xuất.
  • Nên mua 2-3 loại thuốc trị bệnh phấn trắng khác nhau để luân phiên sử dụng, sau 2-3 ngày nên phun lại 1 lượt.

Trên đây là những biện pháp phòng tránh cũng như điều trị bệnh phấn trắng, một loại bệnh khá nguy hiểm và phổ biến trên cây hoa hồng. Khi nhận thấy hoa hồng bị bệnh, không nên quá lo lắng mà hãy thực hiện từng bước theo hướng dẫn trên để nhanh chóng giúp cây khỏe mạnh trở lại.

https://www.bloghoahong.com/2019/02/benh-phan-trang-hoa-hong.html

Đánh giá bài viết
1 bầu chọn /trung bình: 5