1. Biểu hiện bệnh đen thân:
- Phần đầu của những nhánh cắt có màu vàng và xuất hiện những chấm đỏ, tiếp theo đó chúng có thể chuyển sang màu nâu hoặc đen.
- Thân cây hồng xuất hiện những các chấm nhỏ màu tím dọc theo chiều dài thân, khi phát triển mạnh, chúng sẽ làm cho thân hồng bị tím đen.
- Cành sau khi cắt tỉa bị khô phần cắt và dần lây lan khắp thân cây cho đến khi toàn thân hồng đều là màu đen.
2. Nguyên nhân xuất hiện bệnh:
- Sau những đợt mưa dài ngày, kết hợp với nhiệt độ nắng nóng đột ngột, độ ẩm cao dẫn đến việc bộ rễ cây hoa hồng bị tổn thương, tác động tới khả năng phòng thủ sinh học của cây. Bên cạnh đó, là sự xuất hiện của các loại nấm, vi khuẩn tồn tại trong đất xâm nhập theo đường vết cắt của cành gây hại cho thân cây.
- Đất trồng thiếu độ tơi xốp, thông thoáng, tưới nước quá nhiều gây hiện tượng úng rễ. Vi khuẩn xâm nhập vào mạch cây hoa hồng làm khô và tắc mạch, điều này làm cho cây thiếu dưỡng chất, các vết đen bắt đầu lan rộng ra, vỏ cây trở nên nhăn nheo, mầm con héo rũ, cuối cùng gây chết cây.
- Quá trình cắt tỉa cành không đúng thời điểm, không đúng cách, không an toàn, thực hiện lúc cây đang suy yếu dẫn đến vết cắt bị nhiễm khuẩn, cây bị tấn công bởi vi khuẩn, nấm bệnh thông qua vết cắt dẫn đến thân đen.
3. Tác hại của bệnh đen thân ở cây hoa hồng:
- Bệnh phát triển từ những đoạn nhỏ có thể lan sang dọc thân cây hồng làm cản trở quá trình vận chuyển dưỡng chất, làm cây chết dần đi.
- Nấm bệnh và vi khuẩn có thể tấn công vào các mắt ghép làm cho cây hồng nhanh chóng chết đi.
- Nếu để bệnh tiến triển nặng thì rất khó để cứu cây khỏe lại như ban đầu.
4. Biện pháp phòng ngừa bệnh đen thân ở cây hoa hồng:
- Hoa hồng có rễ dạng chùm, ở 2 năm đầu nếu cây được chăm sóc tốt và phát triển bình thường thì bộ rễ sẽ chỉ phát triển ở tầng đất phía trên, tiếp theo là xuống sâu ở tầng thứ hai. Đây là giai đoạn nhạy cảm nhất bởi rễ rất dễ bị tổn thương bởi các tác nhân xấu. Nên sử dụng chế phẩm gốc rễ chứa Trichoderma, chitosan để tưới gốc hồng định kỳ 7 ngày/lần để ngăn vi khuẩn, nấm bệnh xâm nhập và gây hại cho cây.
- Nên che chắn cho cây cẩn thận vào mùa mưa, nhất là những đợt mưa kéo dài, bón thúc cho cây để cung cấp đầy đủ dưỡng chất.
- Cố gắng cho cây tiếp xúc với ánh nắng trực tiếp để tiêu diệt mầm bệnh.
- Bổ sung cho hồng các chế phẩm sinh học, thuốc trị nấm, đặc biệt chú ý đến phần rễ cây nhiều hơn.
- Hồng trồng chậu nên có lỗ thoát nước và kê cao, hồng trồng ngoài đất nên xới gốc và tạp rãnh xung quanh khu vực trồng để tạo điều kiện thoát nước tốt, không ứ đọng nước mưa dài ngày.
- Vệ sinh dụng cụ cắt tỉa cẩn thận, nên cắt tỉa khi cây khỏe mạnh.
5. Điều trị bệnh đen thân cho cây hoa hồng:
Khi nhận thấy hoa hồng có dấu hiệu của bệnh đen thân cần lập tức thực hiện các bước sau đây:
Bước 1: Cách lý cây bệnh và cắt tỉa phần cây nhiễm bệnh:
- Trước tiên cần lập tức cách ly cây hồng nhiễm bệnh với những cây khỏe để tránh bệnh lây lan sang cây khác.
- Nếu cây bệnh nặng cần tiến hành thay giá thể bởi lúc này giá thể đã nhiễm vi khuẩn và nấm rất dễ gây hại cho bộ rễ. Nếu cây bệnh nhẹ dùng bột gốc rễ rắc từng lớp mỏng cách gốc từ 3-5cm để diệt khuẩn.
- Di chuyển cây bệnh ra khỏi khu vực đọng nước, tạo mái che cho cây để tránh ngập úng và ướt mưa.
- Cắt tỉa cành hồng bệnh, cắt xuống phần thân đen khoảng 2- 3cm, sau khi cắt thu gom và tiêu hủy phần bệnh ngay, vệ sinh kéo trước và sau khi cắt.
- Dùng keo liền da xoa trực tiếp lên vết cắt để tránh sự xâm nhập của vi khuẩn và vết cắt nhanh liền.
Bước 2: Điều trị bệnh đen thân bằng thuốc:
- Ngưng bón phân, bón bổ sung các chất kháng sinh học để tăng đề kháng cho cây.
- Sử dụng các chế phẩm trị bệnh như: vi sinh Emspo, chế phẩm gốc rễ, hoặc anello chitosan để xử lý vi khuẩn và nấm bệnh.
- Liều dùng trị bệnh trong trường hợp cây bệnh nặng: 10ml anello chitosan hòa vào 1 lít nước sạch phun đẫm vào thân cây, rễ, lá, phần bệnh. Dùng liên tục 3 ngày, 3 ngày sau dùng 5ml vi sinh trị bệnh Emspo pha với 1 lít nước phun đẫm toàn thân, kết hợp đồng thời với 3gram gốc rễ emspo tưới cho rễ cây.
- Bón thêm các vi lượng cần thiết khác cho cây để tăng khả năng kháng bệnh của cây.
Bước 3: Hồi phục hồng sau trị bệnh:
- Sử dụng các loại phân bón hữu cơ vi sinh, phân bò ủ hoai để bón cho cây, bổ sung dưỡng chất cho cây nhanh chóng hồi phục.
- Sử dụng các loại vi sinh dinh dưỡng phun qua lá để cây nhanh chóng hấp thụ. Ngoài ra có thể dùng các loại phân thông minh tan chậm để dưỡng chất thẩm thấu xuống đất và cây hấp thụ từ từ.
Với những chia sẻ cụ thể trên đây, mong rằng bạn đã có thể dễ dàng nhận biết bệnh đen thân trên cây hoa hồng và nhanh chóng điều trị để tránh gây những thiệt hại nghiêm trọng cho cây hoa hồng.