Skip to content

Hoa lan thường bị bệnh gì?

Admin 04.05.2021125 lượt xem
Hoa lan là một loài hoa rất dễ trồng, tuy nhiên trong cách chăm sóc lại không hề đơn giản. Ngoài yếu tố bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng và điều kiện để cây phát triển ra hoa thì yếu tố phòng trừ sâu bệnh hại và xử lý các vấn đề đó đòi hỏi người trồng phải có kinh nghiệm và kiến thức để cứu cây. Vậy hoa lan thường bị bệnh gì?

Bệnh do virus

  • Biểu hiện của lan bị bệnh do Virus xuất hiện vết đốm hay vết thương trên lá. Lá chuyển từ màu xanh sang thành bị vệt đen hay nâu. Có thể lá bị biến dạng xoắn lại mặt lá gồ ghề, phiến lá cứng và khô thiếu sức sống. Cây yếu và ít nở hoa. Cây phát phát triển không bình thường
  • Nguyên nhân do sâu bọ làm hư khiến virus xâm nhập và hại cây.
  • Cách xử lý: không có thuốc đặc trị cho lan bị virus nên phải dùng thuốc trị côn trùng thường xuyên, không cho hút chích cây, dùng Dimethoate hay Diorotophos, Methilparathion (còn gọi là wofatox nồng độ 0.07 – 0.17). Khi phát hiện cây bệnh cần cách ly để chăm sóc riêng nếu tình trạng nhẹ và đốt bỏ cây nếu bị nặng. Khử trùng dụng cụ sau mỗi lần tách chiết cành và phòng trừ sâu bọ, rầy rệp, làm vệ sinh mặt chậu và toàn bộ vườn lan thường xuyên.

Bệnh do nấm

Bệnh đốm lá của hoa lan: biểu hiện của bệnh này là xuất hiện đốm màu vàng chuyển dần sang màu nâu trên mặt lá, các đốm này càng nhiều và lớn dần nếu không kịp thời điều trị. 

  • Nguyên nhân do nấm Glomerralla cingulate hoặc nấm Colletrotrichum gloesporiodes gây ra.
  • Cách xử lý: cắt bỏ các đoạn lá xuất hiện đốm vàng và xịt thuốc Topsin, Thiram, Kitazin hoặc dùng 15-20g thuốc zineb hòa tan trong 10 lít nước phun mỗi tuần một lần.

Bệnh thối rễ và gốc của hoa lan: biểu hiện bệnh là xuất hiện tình trạng vàng lá, cây chậm phát triển, rễ bị mềm nhũn và nâu lại rồi chuyển vào gốc than.

  • Nguyên nhân: do nấm Sclerotium rolssi và nấm Pellicularia rolsii gây nên.
  • Cách xử lý: Tách cây bệnh và lấy khỏi chậu. Xịt thuốc Thiram vào rễ và ngưng việc tưới hoặc ngâm ngập cổ thân cây trong hỗn hợp dung dịch Thiram 1% với dung dịch Sunphat đồng và trồng lại vào chậu mới có chất liệu gạch lớn, than và hạn chế tưới nước. Đồng thời tạo môi trường khô thoáng. Cách phòng ngừa bệnh bằng cách phun thuốc Thiram và trét thuốc Santara lên các vết thương khi chiết cành. Lan thu từ tự nhiên cần rửa qua nước có pha Zineb loãng để hạn chế mầm bệnh.

Bệnh thối đọt của hoa lan: biểu hiện các đọt của lan bị đen lại, gốc các lá non chuyển thành màu nâu đậm sau đó trở thành đen và làm lá rụng, sau đó lan đến thân và cây chết.

  • Nguyên nhân do nước đọng lại thời gian dài ở gốc bẹ lá làm xuất hiện nấm Phytophtora palmivora gây ra làm nõn cây bị phá hoại.
  • Cách xử lý: mùa mưa không để nước mưa đọng lại ở nõn lá. Khi phát hiện bệnh cần cắt bỏ phần bị bệnh và đặt ở vị trí thông thoáng. Tiến hành phun thuốc Thiram hoà nước với nồng độ đậm, hoà thuốc Thiram với ít nước rồi thoa lên vị trí bệnh.

Bệnh do vi khuẩn

  • Biểu hiện trên lá lan xuất hiện một vết mọng nước bất thường sau đó lan nhanh và vàng lá, rụng lá.
  • Nguyên nhân do vi khuẩn Erlninia carotovora gây ra vì cây bị quá độ ẩm, tưới nhiều.
  • Cách xử lý: cắt bỏ phần bị hư hại, tiến hành phun thuốc oxyclorua đồng 1% Bordeaux theo tỷ lệ 1kg sunphat đồng + 1kg vôi sống cho vào 100 lít nước, tránh đựng hỗn hợp trên trong vật dụng bằng kim loại.

Bệnh do côn trùng gây hại

  • Bọ trĩ: trên lá non bị bọ trĩ chích hút để lại những đốm vuông màu vàng sáng chuyển dần sang màu nâu đen, trên cánh hoa nếu bị bọ trĩ sẽ có những vết chích trong suốt và có một chấm vàng ở giữa. Lúc này chúng ta nên sử dụng thuốc Kelthane phun lên lá để diệt.
  • Ốc sên, Nhớt: Các đoạn rễ non, cây non, chồi, phát hoa bị ốc sên cắn phá vào ban đêm làm cho cây không phát triển, có thể sử dụng thuốc Methaldehyde phun lên cây vào chiều tối để diệt trừ.
  • Rệp: trên cây lan xuất hiện những vết vàng nâu hoặc thâm đen tại các bộ phận như lá non, chồi non, đầu rễ, chồi hoa, phát hoa. Rệp chích hút trên các bộ phận cây làm cho cây phát triển còi cọc, hoa không nở hoặc bị rụng cuống. Nên sử dụng thuốc Kelthane hoà với nước và phun lên lá kịp thời để tránh dẫn đến tình trạng nấm than đen xuất hiện và hại cây thông qua vết chích của rệp.

Trên đây là một số thông tin bệnh cơ bản trên cây lan và hướng xử lý cho những người mới bắt đầu. Để có một vườn lan đẹp và kết quả như mong đợi, tốt nhất chúng ta nên có những biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại để cây không bị tổn thương do bệnh, tăng khả năng phát triển và ra hoa.

Đánh giá bài viết
1 bầu chọn /trung bình: 5