Skip to content

Hướng dẫn cách sang chậu cho cây hoa sứ

Admin 10.05.20211576 lượt xem
Đối với cây hoa sứ, việc thay chậu định kỳ mỗi 6 tháng, 1 năm hoặc 2 năm/lần sẽ giúp cây phát triển đẹp và sung sức hơn. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp thay chậu không đúng kỹ thuật thì cây không những không phát triển mà còn có khả năng làm hư bộ rễ của cây. Vậy, làm thế nào để tránh những rủi ro khi thay chậu cho cây hoa sứ? Nội dung bài viết này sẽ hướng dẫn chi tiết và tường tận phương pháp thay chậu cho cây hoa sứ đúng kỹ thuật, đảm bảo cây phát triển tốt và đẹp mắt.

1. Những lưu ý trước khi thay chậu cho cây hoa sứ:

Khi nhận thấy rễ con của cây hoa sứ vươn lộ ra khỏi mặt đất và những rễ lớn ls ra ở lỗ thoát nước thì lúc này là thời điểm thích hợp để thay chậu cho cây hoa sứ.

Vào mùa xuân là thời điểm phù hợp nhất cho việc thay chậu cho cây hoa sứ bởi đây là thời điểm thời tiết dễ chịu, ấm áp, không mưa, cây hoa sứ có thể hấp thu tốt nhất khí trời, cây sung sức nhất và nguồn năng lượng tích trữ là cao nhất giúp cây khỏe mạnh và nhanh chóng hồi phục.

Lựa chọn kích thước chậu vừa đủ lớn hơn bộ rễ của cây sứ cần thay. Nếu chọn chậu quá nhỏ sẽ không có đủ không gian cho sự phát triển của bộ rễ và không đủ đất để cung cấp dưỡng chất cần thiết cho cây, gây ảnh hưởng đến bộ rễ sau này.

2. Phương pháp di chuyển cây khỏi chậu:

Đối với cây sứ được trồng bằng bịch nilon thì chỉ cần sử dụng dao lam để rạch xung quanh bịch ở phần dưới bịch, tách lớp nilon ra và đặt vào chậu mới.

Đối với cây sứ trồng trong chậu xi măng: Thường bộ rễ cây sứ sẽ ăn hết phần đất trồng trong chậu, các rễ cám sẽ bám quanh thành chậu nên rất khó tách ra. Vì vậy, nên để khô cây sứ ngưng tưới nước vài ngày, đất trong chậu trở nên khô ráo là có thể lắc nhẹ cây sứ, dễ dàng rút toàn bộ cây ra khỏi chậu và đưa sang chậu mới.

Đối với cây sứ khó nhổ, để giữ cho bộ rễ không bị tổn thương có thể đập vỡ chậu và tách cây ra khỏi chậu cũ, đưa sang chậu mới.

Đối với những cây sứ có bộ rễ lớn, được trồng trong những chậu đại việc thay chậu sẽ có nhiều khó khăn hơn bởi bầu đất lúc này khá lớn và nặng. Lúc này chỉ có thể sử dụng máy cắt để cắt đáy chậu. Sau đó vài người cùng nhau nhấc chậu lên để tách rời phần đáy chậu. Bê nguyên phần còn lại sang chậu mới rồi tiến hành đập bỏ những lớp chậu cũ bên trên còn lại.

Nếu nhà vườn vẫn muốn giữ chậu thì có thể áp dụng biện pháp tưới nước thật đẫm cho đất trong chậu, để vài giờ rồi tiến hành sử dụng bay nhỏ để móc dần lớp đất đóng xung quanh chậu ra ngoài, từ đó cây dễ dàng lung lay và lấy được ra khỏi chậu.

3. Xử lý cây sứ sau khi được di dời ra khỏi chậu cũ:

Nếu có rễ bị đứt hoặc dập thì cần cắt bỏ phần đó và bôi vôi lên vết cắt để sát trùng, giúp vết cắt mau lành và không bị nhiễm nấm bệnh.

Khi sang cây qua chậu mới cần giữ nguyên bầu đất để tránh cây bị mất nước và đặt nguyên bầu đất cũ vào chậu mới, giữ cây ngay ngắn, cân đối rồi cho thêm đất vào cách chậu tầm 1cm là được.

Nếu cần sửa dáng, cành và tạo tán lại cho cây thì tiến hành gỡ hết đất còn bám vào bộ rễ của cây, tiếp theo mang cây đi rửa sạch, chọn một nơi thoáng mát trong nhà để treo ngược gốc cây lên trong vòng 2-10 ngày không cần chăm sóc và tưới nước để cành cây, bộ rễ dịu lại, mềm ra và có thể uốn sửa dễ dàng.

Lúc mới trồng cây vào chậu mới nên chống đỡ cây để cân luôn ngay ngắn và đúng chiều mong muốn, đặt chậu khu vực thoáng mát trong vài ba tuần, tưới nước cho đất có đủ độ ẩm. Đợi cây tươi tỉnh, bén rễ trở lại mới đem cây ra nắng.

 4. Phương pháp chọn chậu để thay:

Cây hoa sứ có nguồn gốc từ sa mạc nên thích hợp trồng ở khu vực có thời tiết nắng nóng. Cây kỵ nước, rất dễ bị úng nước nên khi chọn chậu cần lưu ý:

  • Chậu cần có lỗ thoát nước để tránh làm cây chết úng. Tốt nhất là chậu nên có từ 2 đến 3 lỗ thoát nước.
  • Cây sứ ưa nóng nên cần lựa chọn chậu có màu đậm bề mặt sần sùi để nhận nhiệt độ từ mặt trời, giúp cây phát triển tốt. Các loại chậu thích hợp là chậu xi măng, chậu đất nung, chậu nhựa đen hoặc đỏ. Không nên chọn chậu men sứ màu trắng vì chúng khó giữ ấm gốc cây.
  • Củ sứ và bộ rễ phát triển rất nhanh nên chọn chậu có miệng rộng, không nên chọn chậu bầu hoặc miệng nhỏ sẽ gây khó khăn khi rút cây ra khỏi chậu để thay chậu mới.
  • Không chọn chậu quá to so với cây bởi chậu to thì cần cần lượng đất nhiều, nhiệt độ bên ngoài thành chậu khó truyền được vào gốc cây, không giữ ấm được cho bộ rễ cây.

5.    Quy trình sang chậu cho cây hoa sứ:

  • Kiểm tra lỗ thoát nước của chậu nếu lỗ nhỏ hoặc ít lỗ thì cần đục thêm cho lớn ra để giúp thoát nước tốt nhất.
  • Lót dưới đáy chậu bằng gạch vụn để giúp thoát nước tốt và tránh bộ rễ mọc kín lỗ thoát nước sau này.
  • Rải lên trên một lớp trấu sống nhằm tạo độ thoáng, giúp cây không bị ngộ độc khí và thoát nước tốt hơn.
  • Rải một lớp tro trấu lên trên, lưu ý không sử dụng phân chuồng bởi ở tầng thấp chúng dễ đóng cục, giữ nước tốt làm cây dễ bị úng.
  • Tiếp theo cho hỗn hợp đất trồng vào chậu và rãi thêm 1 lớp Ridomil để diệt khuẩn.
  • Đặt cây sứ trước đó vào chậu ngay ngắn, phủ thêm hỗn hợp đất trồng, 1 lớp phân chuồng để cố định cây và cung cấp dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển của cây. Tưới nước ẩm cho cây ngay khi thay chậu.

Thông thường sau khi trồng cây sứ trong chậu khoảng 1-2 năm thì nên tiến hành thay chậu cho cây hoặc khi nhận thấy nhánh sứ nhỏ hơn nhánh lá củ, cây sứ bị còi cọc, chậm phát triển thì nên thay chậu cho cây để cây luôn trong trạng thái khỏe mạnh và cho hoa đẹp.

http://caysucanh.com/tin-tuc/cach-thay-chau-va-xu-ly-cay-su-sau-khi-thay-chau.html

Đánh giá bài viết
2 bầu chọn /trung bình: 5