Giới thiệu về sen đá
Sen Đá (Succulent plant) có nguồn gốc từ vùng khô hạn của châu Mỹ, châu Phi và châu Úc. Sen đá thuộc họ Crassulaceae (Lá Bỏng) có khoảng 60 họ Sen Đá và hơn 300 loài. Các loại sen đá phổ biến thường được trồng ở Việt Nam là Echeverias: sen đá Bánh Bao, sen đá Phật Bà, sen đá Bắp Cải, sen đá Bông Hồng, sen đá Lola, sen đá Viền lửa… và Haworthias: sen đá Sao Biển, sen đá Móng Rồng, sen đá Kim Cương, sen đá Ngọc Guốc… mỗi loại sen đá có những hình dáng và kích thước khác nhau.
Hướng dẫn chăm sóc sen đá
Đất trồng: Đất trồng là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của sen đá. Đặc tính của sen đá là ưa khô ráo không thích nơi ẩm ướt vì vậy đất trồng phải thoát nước tốt, độ mùn và tơi xốp cao, chất dinh dưỡng vừa đủ. Hỗn hợp để trồng sen đá tốt nhất là:
- 25% Pumice
- 35% Perlite
- 40% Trấu hun, tribat hoặc phân bò.
- Xỉ than dưới đáy chậu, khoảng 1/4 chậu
Ánh sáng: Để trồng sen đá được tốt, người trồng cần chú ý đến lượng ánh sáng cung cấp cho cây, nếu không đủ lượng ánh sáng, sen đá không thể phát triển tốt được. Đây là loại cây ưa bóng râm, có thể trồng trong nhà nhưng cần được phơi nắng 3-4 giờ đồng hồ vào buổi sáng sớm, cứ 2-3 ngày lại phơi 1 lần. Tuy nhiên tránh phơi nắng quá nhiều, nắng gắt cũng làm ảnh hưởng đến sức sống của cây như lá cây sẽ bắt đầu khô héo, teo lại hoặc sốc nhiệt dẫn đến rụng lá.
- Nếu sen đá không được cung cấp đủ lượng ánh sáng cần thiết thì lá sẽ bị duỗi thẳng, thưa thớt dần và thân cây mọc cao lên. Một số loại sen đá khi thiếu ánh sáng sẽ bị mất màu và chuyển sang màu xanh như: Sen Đá Viền Lửa, Sen Đá Nâu, Sen Đá Phật Bà, Sen đá Đỏ, Sen Đá Cam…
- Vì vậy, người trồng nên dùng mái che để tránh ánh nắng trực tiếp chiếu thẳng lên sen đá mà vẫn cung cấp được đủ lượng ánh sáng cần thiết cho cây.
Tưới nước: Sen Đá là cây chịu hạn trữ nước trong lá vì vậy lượng nước cung cấp cho cây cần vừa đủ, không được quá nhiều để tránh cây sẽ bị thối nhũn, úng nước. Biểu hiện của sen đá dư nước là lá chuyển thành màu vàng nhạt, mềm nhũn ra, khi chạm vào lá sẽ chảy nước đục và rụng lá. Sau 1-2 ngày, lá sẽ bị vi khuẩn xâm nhập gây ra tình trạng úng và thối rữa, lây ra các lá khác và nguyên cây, làm cho cây chết dần.
- Nếu sen đá không được cung cấp đủ nước lá sẽ nhăn và khô lại, chuyển sang màu vàng nhạt, cây chậm phát triển.
- Vì vậy, chúng ta cần thường xuyên kiểm tra đất trồng cây để nhận biết sớm tình trạng cây có được cung cấp đủ nước hay không, nếu thiếu phải bổ sung ngay. Nếu cây có dấu hiệu bị dư nước cần bỏ ngay các lá bị hư thối, đem chậu đến nơi khô ráo để phơi ánh sáng nhẹ.
- Lưu ý khi tưới nước cho sen đá nên tưới từ từ dưới gốc, tránh vương đọng nước vào lá hoặc không kiểm soát tưới quá nhiều gây úng lá.
- Vào mùa xuân, thời tiết mát mẻ, nên tưới cho sen đá mỗi tuần 1 lần để duy trì độ ẩm cần thiết.
- Mùa hạ: thời tiết nắng nóng, hanh khô nên cần tưới nước 2 lần mỗi tuần vào buổi sáng.
- Mùa thu: có thể duy trì tưới 2 tuần 1 lần.
- Mùa đông có thể tưới mỗi tuần 1 lần, nếu trời quá lạnh nên di chuyển chậu vào vị trí ấm áp hơn.
Phòng bệnh
- Vào mùa mưa, khi độ ẩm trong không khí tăng cao dễ khiến cho sen đá bị nấm mốc hoặc đốm lá. Lá cây có thể bị đổi màu, xuất hiện các đốm lấm tấm đen, thối nhũn và lan rộng ra toàn bộ thân cây. Để xử lý kịp thời, chúng ta cần nhanh chóng cắt bỏ phần là bị bệnh, thay đất trong chậu và đặt chậu ở vị trí thông thoáng, khô ráo, có thể dùng đèn huỳnh quang tỏa nhiệt để giữ cây không bị ẩm ướt.
- Sen đá cũng rất dễ bị rệp sáp, nhện đỏ tấn công, người trồng nên nhanh chóng di chuyển chậu bị rệp ra khỏi vườn để tránh lây lan sang những cây khác, đồng thời sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để xịt lên toàn bộ cây. Để phòng bệnh, nên thường xuyên phun thuốc diệt kiến, diệt muỗi quanh khu vực chậu.
Để chăm sóc sen đá không khó, nhưng người trồng nên thường xuyên kiểm tra độ ẩm, ánh sáng và cung cấp thích hợp để cây phát triển tốt và thẩm mỹ cao.