Nhân giống hữu tính là phương pháp gieo hạt để hình thành cây con, còn nhân giống vô tính là chiết cành, ghép cành và giâm cành…
Nhân giống hữu tính hoa hồng:
Ưu điểm: Phương pháp này dễ thực hiện, không tốn nhiều công sức, tiền của, có thể sản xuất được nhiều cây con.
Nhược điểm: Đa số cây con không mang những đặc tính tốt như cây mẹ. Thời gian từ khi hoa của cây hồng mẹ thụ phấn đến khi hạt già mất thời gian khá lâu và phương pháp thụ phấn không hề đơn giản.
Vì vậy, phương pháp nhân giống hữu tính hoa hồng hiện nay không còn được áp dụng phổ biến nữa.
Phương pháp nhân giống vô tính hoa hồng:
Đây là phương pháp nhân giống tạo cây hồng con tuy tốn thời gian, công sức nhưng cây con mang những đặc tính tốt giống cây mẹ nên phương pháp này hiện được áp dụng phổ biến và từ xa xưa.
Phương pháp chiết cành:
Phương pháp tách rời cành ra khỏi cây hồng mẹ để tạo cây con độc lập. Phương pháp này thực hiện khá dễ nhưng đòi hỏi đúng kỹ thuật.
Cách 1: Chọn cành hồng dài, phù hợp, gần sát gốc, lấy đoạn cuối cành có chiều dài tầm 20 phân và cắt một khoanh vỏ dài khoảng 2 phân. Cạo sạch lớp vỏ, tiếp theo uốn cong cành để phần tróc vỏ tiếp giáp mới mặt đất, đắp đất phủ lên trên và dùng que gài xuống đất sao cho cành hồng nằm yên đúng vị trí.
Vào mùa mưa thì không cần tưới nước, vào mùa nắng thì tưới vào ụ đất chiết vài lần để cành mau bén rễ. Tầm 3 tuần chỗ chiết ra rễ và có thể cắt rời trồng thành công.
Cách 2: Chọn cành hồng to tầm chiếc đũa của cây hồng mẹ có những đặc tính tốt. Cành chiết không quá già cũng không quá nóng và cần có độ dài từ 15cm đến 20cm là phù hợp.
Dùng dao bén bóc rời khoang vỏ rộng 2 phân ngay đoạn chiết, tiếp theo dùng hỗn hợp đất trộn với phân bò khô ốp xung quanh khu vực bóc bỏ tạo thành bầu nhỏ, lấy nilon trắng quấn quanh bầu. Khoảng sau nửa tháng rễ sẽ mọc trong bầu và đợi thêm khoảng 1 tuần nữa dùng dao cắt lìa cành chiếc trồng thành cây con độc lập.
Cây hồng chiết cành thường có bộ rễ yếu nên sau khi cắt rời cần đặt vào bầu ương trong vài tuần để bộ rễ già dặn sau đó bứng đem trồng vào chậu.
Phương pháp giâm cành:
Phương pháp này không áp dụng được cho tất cả loại hồng mà phải lựa chọn giống hồng có khả năng giâm cành ra rễ được, cây mẹ cần có những đặc tính tốt.
Chọn cành hồng dài khoảng 15 phân, không quá già hoặc quá non. Một cành hồng mẹ có thể cắt được nhiều khúc làm hom giống. Sử dụng dao mỏng lưỡi và thật bén để vết cắt không bị giập.
Sau khi hoàn tất làm liếp ương thì bón phân, tưới nước đủ ẩm rồi thực hiện giâm cành với khoảng cách giữa hai hom giống từ 10-15cm.
Có thể chấm đầu cành giâm vào thuốc kích thích mọc rễ trước khi cắm xuống đất để cây ra rễ nhanh hơn. Khi cắm hom giống cần dùng 1 cái que tầm chiếc đũa, chọc xuống đất tầm 2cm và cắm hom giống vào lỗ, có thể trồng thẳng hoặc nghiêng đều được.
Giâm cành nên thực hiện nào mùa mưa để khỏi phải tưới nước còn vào mùa nắng cần siêng tưới nước để giữa ẩm cho đất, tưới nước theo dạng phun sương, tia nước nhỏ và làm giàn che nắng.
Phương pháp ghép cành:
Phương pháp này thường là sử dụng mắt ghép của cây hồng có đặc tính tốt, ghép vào cây hồng có đặc tính xấu, sau đó cắt bỏ những cành hồng có đặc tính xấu, chỉ để lại phần ghép có đặc tính tốt để dồn sức nuôi mắt ghép mới.
Chuẩn bị dụng cụ gồm dao nhỏ, dây buộc vùng ghép, chọn gốc ghép là cây hồng dại có sức sống khỏe mạnh, đường kính khoảng 0,5 đến 1 cm.
Chọn cây hồng có những đặc điểm tốt như sai hoa, khỏe mạnh, lựa chọn mắt ghép ở cành hồng có hoa và mắt ngủ ngay nách lá vừa lộ ra có độ lớn tầm bằng hạt gạo.
Sử dụng dao xén lấy mắt ghép theo chiều từ dưới mắt ghép đẩy lưỡi dao lên phía trên, mắt ghép lấy ra cần ghép ngay vào gốc ghép.
Ghép chữ T: phương pháp này rất phổ biến và thường áp dụng đối với gốc ghép non, vỏ mỏng, gốc ghép phải đang lên nhựa.
Trên gốc ghép dùng dao cắt 2 đường, 1 ngang và 1 dọc hình chữ T. Dùng mũi dao nạy vỏ lên khu vực chữ T với khoảng cách vừa đủ đưa mắt ghép vào.
Đưa mắt ghép vào vị trí vỏ vừa nạy lên và quấn lại bằng dây nilon.
Ghép cửa sổ: Áp dụng cho gốc ghép già hoặc có ít nhựa, khó thực hiện phương phép ghép chữ T.
Gọt mắt ghép theo hình chữ nhật, đồng thời bóc đi một mảnh vỏ có kích thước vừa vặn với mảnh mắt ghép
Đặt mắt ghép vào phần thân ghép vừa bóc vỏ và sử dụng dây nilon buộc kín lại.
Sau vài ngày đầu không nên tưới nước chỗ mắt ghép vì dễ làm úng, hỏng mắt ghép. Sau 2 tuần có thể mở dây nilon ra nếu phần mắt ghép còn tươi và có hàn nhựa kín phần ghép thì quá trình ghép mắt thành công, mắt ghép sẽ phát triển thành cành mới
Trên đây là toàn bộ những phương pháp nhân giống cây hoa hồng. Tùy thuộc vào từng loại hoa hồng, đặc tính của cây để lựa chọn phương pháp nhân giống phù hợp nhất để sớm ngày có những chậu hồng khỏe mạnh và xinh đẹp.