Skip to content

Những loại bệnh thường gặp trên cây quất và cách xử lý

Admin 23.05.20215680 lượt xem
Cây quất rất được ưa chuộng vào những ngày tết Nguyên Đán ở miền nam bởi màu sắc sinh động, trái sai trĩu cành đem lại cảm giác sung túc, ấm no cho năm mới. Quá trình chăm sóc để cây sinh trưởng tốt và đậu nhiều trái là không dễ chút nào, nếu cây bị bệnh lại càng khó cho người trồng hơn, chúng ta cùng xem qua những loại bệnh thường gặp trên cây quất và cách xử lý để giúp cây luôn đẹp, quả sai, sáng bóng.

1. Bệnh thối gốc và rễ

  • Biểu hiện: Rễ và phần thân cây sát mặt đất bị chết từ đó làm chết cả cây, trên thân cây lớp vỏ bị nứt và chảy nhựa có màu nâu. Sau khi chảy nhựa, phần thân cây bị chết. Lá chuyển sang màu vàng, rụng và từ từ chết cây nếu bệnh nặng.
  • Cách xử lý: Để cây quất không bị bệnh này, đầu tiên cần có biện pháp phòng trừ, giữ cho vườn và chậu quất thoát nước tốt, ẩm độ đất trồng vừa phải, không nên tưới phun quá đậm. Đất cần được xử lý trước khi trồng, kiểm tra đất không nhiễm mặn, nhiễm phèn, ủ đất với vôi hoặc dùng thuốc Boocdo 1% nhằm tiêu diệt nguồn nấm có sẵn trong đất.

2. Bệnh ghẻ (bệnh sẹo)

  • Nguyên nhân: Do một loài nấm gây lên, bào tử của nấm xuất hiện trên lá non và gây hại các bộ phận non của cây như lá, cành và quả non.
  • Biểu hiện: Trên lá và quả xuất hiện các đốm màu gỉ sắt, nhiều vết bệnh đan xen nhau tạo thành những đám sần sùi trên lá và quả, làm cho quả không còn độ bóng bẩy, mất giá trị thẩm mỹ của cây.
  • Cách xử lý: Khi phát hiện bệnh trên cây quất, chúng ta cần cách ly cây ngay khỏi vườn, cắt tỉa những nhánh cây đã bị bệnh và tiêu huỷ để tránh lây lan ảnh hưởng đến vườn. Sử dụng thuốc để phun lên cây như Anvil 5EC, Daconil 75WP, Tilt sunper 300ND… nồng độ từ 0,15 – 0,2% pha loãng với nước theo khuyến cáo trên bao bì và phun ướt đều lên các bộ phận của cây quất.

3. Rệp 

  • Nguyên nhân: Các loại rệp như rệp muội, rệp vảy ốc… chúng tập trung thành từng ổ trên các búp non, chùm hoa và quả non.
  • Biểu hiện: Cây xuất hiện các chấm đỏ và trắng là ổ của rệp, xuất hiện nấm mồ hóng trên lá và quả non làm giảm giá trị của cây quất.
  • Cách xử lý: Nếu rệp mới xuất hiện, ổ rệp nhỏ, có thể ngắt bỏ những lá, búp có rệp và đem tiêu huỷ, tránh lây lan. Trường hợp số lượng rệp nhiều, mật độ cao phải phun thuốc trừ như: Bassa 50EC, Trebon 10EC… nồng độ từ 0,1 – 0,2 % pha loãng với nước theo khuyến cáo nhà sản xuất và phun đều ướt cây.

4. Sâu bướm phượng

  • Nguyên nhân: Bướm phượng tới mùa trưởng thành, đẻ trứng trên các chồi non của cây. Sau khi sâu non nở ra, ăn dần các bộ phận non của cây như lá, búp, nụ hoa.
  • Biểu hiện: Khi quan sát cây quất thấy có những vết ăn của sâu nham nhỏ, cây sinh trưởng chậm.
  • Cách xử lý: Nếu tình trạng sâu ít, số lượng nhỏ có thể bắt và diệt bằng tay vì loài sâu này nhìn thấy rõ bằng mắt thường. Nếu số lượng sâu nhiều cần phun thuốc Bassa 50EC, Ofatox 400EC, Karate 2,5EC… nồng độ từ 0,1 – 0,2% pha loãng với nước theo chỉ định và phun đều ướt cây.

5. Ngài chích hút

  • Nguyên nhân: Sự phát triển của 1 loài bướm hoạt động về đêm và sử dụng vòi chích hút những quả quất vào giai đoạn chín, vỏ quả ngả vàng.
  • Biểu hiện: Quả quất thối và rụng nhiều, tỷ lệ quả chín trên cây giảm rõ rệt.
  • Cách xử lý: Cách phòng bệnh là khi cây vào giai đoạn trái chín, cần kiểm tra kỹ, soi đèn vào ban đêm để bắt ngài. Khi có biểu hiện của ngài chích hút, nên sử dụng thuốc trừ sâu Padan nồng độ từ 0,1 – 0,2% kết hợp với gồm nước đường pha dấm hoặc nước ép trái cây để làm bẫy ngài, cho hỗn hợp pha vào dĩa đặt trong vườn.

6. Bệnh héo vàng

  • Nguyên nhân: Do nấm Fusarium sp có sẵn trong đất, vị trí trồng ngập do mưa to, độ ẩm cao và không thông thoáng tạo môi trường cho nấm này phát triển.
  • Biểu hiện: Lá héo vàng dần dần hết cây và chết cây nếu bệnh nặng.
  • Cách xử lý: Để phòng bệnh héo vàng, người trồng nên đào mương thoát nước, tránh trồng cây mật độ dày, trộn chế phẩm sinh học Trichoderma + phân hữu cơ ủ hoai mục + phân vi sinh để trừ nấm trong đất.

Sử dụng thuốc Bendazol 50WP, Aliette 80WP hoặc Viben C 50WP trộn chung với các loại thuốc kích thích ra rễ, pha loãng với nước rồi tưới cho quất.

Trong quá trình trồng quất, người trồng nên chú ý quan sát những biểu hiện bất thường và xử lý bệnh nhanh chóng, chính xác để tránh lây lan và giúp cây phát triển khoẻ mạnh, cho năng suất cao.

https://xuannong.vn/tong-hop-cac-loai-benh-tren-cay-tac-bid320.html

Đánh giá bài viết
3 bầu chọn /trung bình: 4