Tác dụng của phân bón NPK đối với đất trồng và hoa hồng
Cải thiện độ phì nhiêu của đất.
Trong quá trình canh tác lâu năm, cây hút các dưỡng chất có trong đất nên cần phải bổ sung các chất cần thiết lại cho đất, cải tạo đất cho vụ mùa tiếp theo. Phân NPK chứa hàm lượng dinh dưỡng cao được bón với mức độ hợp lý giúp cho đất được cải thiện độ phì nhiêu, màu mỡ, phục hồi hệ đệm sinh học cho đất cũng như giá thể trồng hoa hồng.
Kích thích ra lá và hoa.
Với các thành phần chính trong phân NPK bao gồm:
- Đạm là loại dinh dưỡng quan trọng nhất đối với cây hoa hồng. Đạm có tác dụng làm cây sinh trưởng xanh tốt, phát triển chiều cao và thân lá, giúp hình thành chồi, nụ và hoa.
- Lân có tác dụng thúc đẩy việc ra rễ, ra hoa...
- Kali có tác dụng tốt trong việc tổng hợp xenlulo, đường bột, làm cây xanh tốt, cứng cáp, hoa có màu sắc rực rỡ, nở to, đúng dáng hoa.
Có thể thấy các thành phần có trong phân NPK giúp cây hoa hồng có thể xanh tốt và sinh trưởng chiều cao tối ưu. Kích thích cây hoa hồng ra mầm chồi, lá, hoa để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người trồng.
Tăng sức đề kháng cho cây.
Hoa hồng hay mắc các bệnh như đốm nâu, vàng lá, rụng lá, phấn trắng… Việc sử dụng phân NPK bón cho cây sẽ giúp cây gia tăng sức đề kháng để chống chọi với các loại bệnh dễ mắc phải và thời tiết khắc nghiệt như ở nước ta. Ngoài ra, phân NPK còn giúp cây hoa hồng có thể giữ được sự ổn định trong quá trình phát triển từ lúc cây con đến khi ra hoa.
Những loại phân NPK phổ biến cho hoa hồng
- Phân NPK 30:10:10 là loại phân có thành phần 30% đạm, 10% lân và 10% Kali được sử dụng giúp hoa hồng phát triển mạnh mẽ và cho hoa đẹp. Loại phân này nên được bón lúc cây còn nhỏ, đang phát triển chồi non, kích thích cây ra lá, phát triển thân vững chắc và bộ rễ tốt.
- Phân NPK 10:10:30 có tỷ lệ 10% đạm, 10% lân và 30% Kali, với thành phần nhiều Kali rất tốt cho quá trình ra hoa, làm cho hoa hồng có màu sắc rực rỡ, lâu tàn.
- Phân NPK 10:30:10 có tỷ lệ 10% đạm, 30% lân và 10% Kali, với thành phần lân nhiều nên được bón lúc hoa hồng chuẩn bị ra nụ và hoa. Trong lúc cây đang phát triển tốt nên dùng loại phân này để kích thích cây ra hoa, số lượng nhiều.
- Phân NPK 6:30:30 có tỷ lệ 6% đạm, 30% lân và 30% Kali, có thể thấy với lượng lân và Kali cao giúp thúc đẩy sự phát triển của cây tốt, kích thích ra hoa và giữ hoa được tươi lâu, tăng sức đề kháng của cây, hạn chế sâu bệnh.
Những lưu ý khi bón phân NPK cho hoa hồng
- Nên bón phân với liều lượng vừa đủ cho từng giai đoạn phát triển của cây hoa hồng, có rất nhiều loại phân NPK với các thành phần khác nhau, người trồng nên tìm hiểu kỹ trước khi bón.
- Nên tưới nước 1 ngày rồi mới bón phân để đảm bảo độ ẩm cần thiết, sau khi bón phân nên tưới nước để rửa sạch phân dính trên hoa, lá tránh trường hợp cháy lá, đồng thời giúp phân tan và thấm vào đất.
- Nên bón phân NPK cách gốc 7-10cm để đảm bảo không bị thối gốc vì độ nóng của phân khi tan ra, nên lấp đất lên phân để đạt hiệu quả tối ưu.
- Có thể hoà tan phân NPK với nước trước khi bón cho cây hoa hồng để đảm bảo cây được hấp thụ phân nhanh nhất, hiệu quả nhất, tránh trường hợp phân tan ồ ạt nếu bón bằng hạt phân gây tình trạng cây bị sốc phân.
- Nên bón phân NPK vào buổi sáng sớm hoặc chiều mát sau 3h để không bị nắng gắt ảnh hưởng đến cây.
- Trước khi bón phân NPK cho hoa hồng cần chú ý thời tiết, nếu mưa kéo dài, nắng nóng liên tục hoặc trời rét đậm thì không nên bón phân cho cây.
- Khi thấy cây hoa hồng có biểu hiện bệnh, người trồng nên xử lý bệnh cho cây trước, cây hết bệnh rồi mới bón phân.
- Nên thử liệu lượng của phân với một vài cây trước khi bón số lượng lớn, cả vườn.
Việc bón phân NPK cho hoa hồng không đơn giản, để đạt hiệu quả tối ưu, cây hấp thụ hết phân và tiết kiệm chi phí, người trồng hoa nên tìm hiểu kỹ thông tin, kiểm tra đất, nước và áp dụng trên từng khóm hoa nhỏ trước khi áp dụng rộng rãi.