Skip to content

Thế nào là phân bón tan chậm? các loại phân tan chậm dùng cho hoa Lan

Admin 04.05.2021168 lượt xem
Phân tan chậm được hiểu theo đúng tên gọi của nó, là loại phân có chứa các chất dinh dưỡng có thời gian phân giải kéo dài, chúng sẽ được giải phóng từ từ và tan vào môi trường trong thời gian lâu hơn các loại phân bón thông thường nhờ vào lớp màng polymer bên ngoài. Phân tan chậm có thể kiểm soát được thời gian trong suốt quá trình sinh trưởng của cây trồng.

Các loại phân tan chậm được dùng cho hoa Lan

Phân tan chậm hữu cơ 2H: có thành phần từ cá, sữa, nội tạng động vật…được sản xuất tại Việt Nam. Hỗ trợ cho Lan các vấn đề như:

  • Hạn chế tình trạng vàng lá, rụng lá vào cuối chu kỳ tăng trưởng, thường là sau khi ra hoa ở các dòng lan đơn thân như Ngọc Điểm, Giáng hương
  • Đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của cây mà không cần phải bổ sung phân hóa học hoặc các chế phẩm kích thích tăng trưởng.
  • Tăng sức đề kháng cho cây, không bị ảnh hưởng bởi sâu bệnh.
  • Hỗ trợ sự phát triển đồng đều, cân đối và toàn diện cho Lan như lá dày và có màu xanh đậm; rễ khoẻ và phát triển; thân to và cao, cứng cáp; hoa to và màu sắc tươi sáng, lâu tàn.
  • Dòng phân 2H phù hợp với tất cả các loại hoa lan và đặc biệt là lan rừng.

Phân tan chậm vàng USD: với thành phần nguyên chất, được sản xuất và nhập khẩu từ Mỹ. Vì phân này có hàm lượng cao nên không thích hợp sử dụng cho các dòng Lan thòng, lan rừng, phù hợp với các dòng lan Denro, lan đa thân. 

Phân tan chậm chì Nhật Bản: với thành phần nguyên chất, dạng viên, được sản xuất và nhập khẩu từ Nhật. Là dòng phân kiểm soát độ tan, dù trong môi trường độ ẩm cao, mưa nhiều vẫn tan ở mức độ 3% giúp cây được hấp thụ từ từ và không bị sốc phân. Dòng phân này để rải mặt chậu và được thay sau 6 tháng sử dụng, rất tốt cho Lan.

Ưu điểm và nhược điểm của phân tan chậm

Ưu điểm

  • Cung cấp cho Lan đầy đủ những chất cần thiết mà không bị ồ ạt quá nhiều làm tổn thương đến các bộ phận của cây.
  • Phân tan chậm có cấu tạo lớp vỏ bên ngoài có khả năng kết dính chặt vào đất nên hạn chế được việc bị nước rửa trôi khi mưa hay tưới nước cho Lan. Vì vậy đảm bảo môi trường nước, môi trường đất không bị ô nhiễm. Đất không bị dư thừa phân, không bị chai lì đất.
  • Giảm thiểu thời gian và công sức cho mỗi đợt bón phân.

Nhược điểm

  • So với những loại phân thông thường thì phân tan chậm có giá thành cao hơn nhiều.
  • Thời gian tan chậm nên đối với những giai đoạn cần thúc sự phát triển mạnh mẽ của cây thì không phù hợp.
  • Phân tan chậm không được bán rộng rãi như những loại phân khác.

Cách sử dụng phân tan chậm cho hoa Lan

  • Đặt phân bón tan chậm có kiểm soát trong giấy ăn, sau đó đặt dưới giá thể trồng Lan để không bị ánh sáng mặt trời làm khô phân và để cho gói phân luôn trong tình trạng ẩm ướt.
  • Trường hợp bề mặt chậu có giá thể nhuyễn, thì có thể rải phân tan chậm lên trên mặt giá thể.
  • Nếu trồng bằng xơ dừa thì trộn chung phân tan chậm vào xơ dừa để trồng

Những lưu ý khi sử dụng phân tan chậm cho hoa Lan

  • Nên trộn phân tan chậm cùng giá thể trồng lan như than vụn, mùn cưa, xơ dừa…và giữ giá thể ẩm để phát huy tối đa hiệu quả của phân.
  • Nên tưới cho giá thể ẩm nhiều trong  mỗi lần tưới nước cho hoa Lan để phân tan dễ hơn giúp rễ lan hấp thụ được nhiều chất dinh dưỡng hơn.
  • Chỉ sử dụng phân tan chậm cho Lan có nhiều rễ để tăng hiệu quả và đúng giai đoạn phát triển của Lan. Sử dụng phân bón hữu cơ để kích thích rễ khi Lan còn nhỏ sẽ thích hợp hơn.
  • Không gác túi phân tan chậm vào thân cây làm nóng cây hoặc treo cao cây sẽ không hấp thụ được  dưỡng chất từ phân.
  • Theo dõi nếu thấy phân gần hết thì nên thay phân mới. Trong giai đoạn cây cần nghỉ thì không bổ sung thêm phân cho cây.

Mỗi loại phân sẽ phù hợp với những giai đoạn phát triển của hoa Lan, để lựa chọn được loại phân tốt và đáp ứng đầy đủ các yêu cầu cho mỗi loại hoa Lan, nhà vườn nên tìm hiểu kiến thức sản phẩm đầy đủ để có thể phát huy tối đa công dụng của phân giúp cho hoa Lan phát triển tốt nhất, cho sản lượng hoa cao nhất.

Đánh giá bài viết
1 bầu chọn /trung bình: 5